RPA (Robotic Process Automation) làm giảm một số trở ngại trong kinh doanh mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. RPA có thể giải phóng khoảng từ 20 – 30% nhân lực đồng thời giảm thiểu rủi ro hoạt động trong quá trình xử lý nghiệp vụ, không phát sinh lỗi thao tác và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Vậy thực tế, độ chính xác của RPA là bao nhiêu?
Các doanh nghiệp toàn cầu, bất kể quy mô hay ngành nghề, cũng đều bị hạn chế bởi những thách thức trong kinh doanh. Tuy nhiên, những trở ngại này thường lớn hơn đối với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các quy trình thủ tục truyền thống. RPA được mệnh danh là “lao động kỹ thuật số”, nâng cao hiệu suất lao động, giải quyết bài toán kinh doanh trong doanh nghiệp.
1. RPA là gì?
RPA (Robotic Process Automation) là rô bốt phần mềm tự động hóa quy trình sử dụng công cụ quy tắc (Rule engine) và trí tuệ nhân tạo (AI). RPA thay thế lao động trí óc thực hiện tự động các công việc bàn giấy phức tạp và có logic cố định, lặp đi lặp lại. Đôi khi, robot phần mềm RPA còn được nhân cách hóa thành “lao động kỹ thuật số”, “lao động trí thức ảo” hay “công nhân kỹ thuật số”.
2. Sự liên kết giữa trình độ con người và giải pháp RPA
Thực tế, RPA chỉ có thể hoạt động chính xác nếu người sử dụng thiết lập chúng một cách chính xác. Điều đó có nghĩa là mức độ chính xác của RPA phụ thuộc vào trình độ của con người. Bởi vì, bản thân các rô-bốt RPA không có khả năng tư duy mà chỉ đơn giản thực hiện theo kịch bản đã thiết lập từ trước.
Theo điều tra của Deloitte “Automate this”, rô-bốt không có “common sense” (nhận thức căn bản). Do đó, trong trường hợp quy trình quản lý RPA có lỗi sai sẽ kéo theo sai sót trong chỉ dẫn tới con rô-bốt, chúng vẫn sẽ tuân theo chỉ dẫn và lặp lại lỗi sai đó hàng trăm tới hàng nghìn lần cho tới khi con người phát hiện ra. Vì vậy, nếu rô-bốt bị lập trình sai hay giả thuyết cơ sở để điều hành robot bị lỗi, sai lầm là điều không thể tránh khỏi.
Nếu không được phát hiện ngay từ giai đoạn đầu của quy trình tự động hóa, những lỗi sai này có thể sẽ buộc con người phải làm lại từ đầu những công việc đã được hoàn thành, dù là bằng phương pháp thủ công hay tái tự động bằng cách sửa lỗi lập trình của rô-bốt. Để tránh khỏi những sự cố này, việc quan trọng nhất chính là kiểm tra những quy trình, thủ tục một cách chính xác trong quá trình chuyển giao cho RPA, đồng thời nhân viên nên giám sát những con rô-bốt phần mềm này trong những bước đầu triển khai tự động hóa.
3. Lợi ích của RPA
Một trong những lợi ích chính của RPA chính là giảm chi phí. Một phần mềm robot sẽ chiếm khoảng 1/3 lương một năm của một nhân viên offshore full-time (FTE) cho đến 1/9 lương hàng năm của một nhân viên onshore full-time.
Đây là lý do chính vì sao tự động hóa đang mang lại những đột phá nổi bật trong mô hình chênh lệch lao động (labour arbitrage) của ngành BPO (Business Process Outsourcing).
Tuy nhiên, lợi ích của RPA không chỉ dừng ở đây. Những lợi ích khác bao gồm:
1. Tăng tốc độ công việc bởi robot phần mềm thực hiện các tác vụ ngay lập tức.
2. Loại bỏ rủi ro do các lỗi thao tác
3. Đảm bảo việc tuân thủ các quy định và quy trình
4. Cải thiện năng suất nhờ robot phần mềm có thể hoạt động 24/7 với số lần downtime tối thiểu
5. Linh hoạt trong việc mở rộng hoặc thu nhỏ quy mô ứng dụng robot, tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp
6. Tăng cường sự gắn bó của nhân viên thông qua giải phóng sức lao động khỏi những công việc thủ công, nhàm chán
7. Chuyển đổi phương thức điều hành từ việc sử dụng nhiều lao động chân tay sang tập trung vào công nghệ
Vì vậy, hãy xem lại các mục tiêu và chiến lược áp dụng RPA của bạn nếu bạn đang quá chú trọng vào giảm chi phí.Thông qua chuỗi 3 bài viết làm sáng tỏ một số nhận định sai lầm về RPA, chúng tôi hy vọng sẽ giúp độc giả nâng cao hiểu biết của mình về RPA. Từ đó, chúng tôi cũng mong muốn hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn và triển khai RPA thành công, cho hiệu quả cao.