RPA có phải robot cơ học như chúng ta vẫn thường thấy? RPA có nguồn gốc từ đâu và tự động hóa công việc như thế nào? Tất cả những thắc mắc đó sẽ được giải đáp tường tận qua bài viết sau đây.
Với nhiều lợi thế, RPA được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực như y tế, kiểm toán, ngân hàng, nhân sự, mua sắm trực tuyến…Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt kịp xu hướng sử dụng robot tự động hóa quy trình để nâng cao lợi thế cạnh tranh, năng suất lao động và giảm nhẹ gánh nặng cho nhân viên.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của RPA
Bắt đầu từ khoảng năm 2015-2016, RPA nổi lên như một hiện tượng, tạo nên làn sóng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp. Tiền thân của RPA là công nghệ screen scraping và các công nghệ tự động hóa quy trình với khả năng dễ dàng kết hợp với những công nghệ tân tiến như AI, NLP…Không thể phủ nhận RPA là một trong những công nghệ đột phá của thế kỷ 21.
Theo Gartner, trong dự đoán top 10 xu hướng công nghệ chiến lược năm 2020, robot tự động hóa quy trình (RPA) hiện diện trong cả 3 xu hướng: Hyper Automation (Siêu tự động hóa), Multi Experience (Đa trải nghiệm) và Autonomous things (Tự động hóa). Đây là minh chứng cho thấy tầm quan trọng cũng như sự ảnh hưởng tích cực của RPA trong các định hướng ứng dụng công nghệ hiện nay.
Thực tế, mặc dù RPA tân tiến là vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng đón nhận RPA một cách nhanh chóng. Thậm chí, theo báo cáo của EY năm 2017, tỷ lệ ứng dụng RPA thất bại lên đến 30-50%. Một trong những nguyên nhân quan trọng cho thất bại này chính là do những hiểu lầm về RPA của những bên tham gia triển khai, đặc biệt là phía người dùng.
Để cùng làm sáng tỏ thông tin cũng như những khía cạnh của RPA, chuỗi bài viết sau sẽ đề cập đến một số hiểu lầm thường gặp về RPA, từ đó chia sẻ những kinh nghiệm mà chúng tôi đúc kết được từ quá trình triển khai sản phẩm RPA tại Việt Nam.
Trước khi đi sâu vào chủ đề chính, chúng ta hãy cùng ôn lại những khái niệm cơ bản về RPA.
Vậy, Robotic Process Automation, hay RPA là gì?
2. RPA là gì?
RPA là viết tắt của từ Robotic Process Automation (robot tự động hóa quy trình). Hiểu đơn giản, RPA là robot phần mềm thay thế lao động trí óc thực hiện tự động các công việc văn phòng có logic cố định. Đôi khi, những robot RPA này còn được xem như “lao động kỹ thuật số” chuyên nghiệp.
RPA có khả năng làm việc với các phần mềm khác trong doanh nghiệp như Excel, phần mềm kế toán, ngân hàng,… và thực hiện tự động các công việc khối lượng lớn, phức tạp, lặp đi lặp lại theo chu kỳ như: Nhập liệu, tạo đơn hàng,… Ngoài ra, RPA có thể ứng dụng trong các lĩnh vực: Sản xuất, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế,…So với các giải pháp tự động hóa khác, RPA thân thiện hơn, từ đó nhân viên có thời gian tập trung vào những công việc tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp
3. RPA có phải là robot?
“RPA là một con rô-bốt phải không?”
Đây thường là câu hỏi đầu tiên chúng tôi nhận được, đặc biệt từ những khách hàng không thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Một điểm vô cùng thú vị là: mặc dù giải pháp RPA (Robotic Process Automation) có liên quan đến rô-bốt, nhưng nó thực sự không phải là một chú robot cơ học “bằng xương bằng thịt”. Thay vào đó, khách hàng sẽ nhận được một phần mềm rô-bốt (hay đơn giản chỉ là một phần mềm) giúp tự động hóa các nghiệp vụ văn phòng có tính lặp đi lặp lại, phức tạp và thường phát sinh lỗi thao tác.
Có thông tin tích cực rằng, hiện nay xu hướng đang chuyển từ thuật ngữ Rô-bốt tự động hóa quy trình (RPA) sang Intelligent Automation (Tự động hóa thông minh) hay Intelligent Process Automation (Tự động hóa quy trình thông minh). Những thuật ngữ mới này xuất hiện bởi hiện nay bất cứ thứ gì liên quan đến trí thông minh nhân tạo đều thu hút được rất nhiều sự chú ý. Nhưng bên cạnh đó, những thuật ngữ này cũng thể hiện tham vọng của những người trong lĩnh vực công nghệ mong muốn level-up chuỗi giá trị từ RPA.